Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có nhiều đại diện trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, hai bộ này luôn có ghế trong Bộ Chính trị các khóa - nhóm những nhân vật quyền lực nhất của Đảng.
Bộ nào có 'quyền lực chính trị' hơn?
Điều 9 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 quy định Ban Chấp hành Trung ương Đảng là cơ quan lãnh đạo của Đảng trong thời gian giữa hai kỳ đại hội.
Trung ương Đảng có thẩm quyền bầu Bộ Chính trị và các chức danh chủ chốt là tổng bí thư, ủy viên Bộ Chính trị.
Về việc kỷ luật đảng viên, theo Quy định 22-QĐ/TW năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng trong việc quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư.
Điều này cho thấy Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan đầy quyền lực của Đảng và các ủy viên Trung ương Đảng làm trọn một nhiệm kỳ cũng là những ứng cử viên tiềm năng để vào Bộ Chính trị.
Xét Trung ương Đảng các khóa gần đây 11, 12 và 13, ủy viên đại diện của Bộ Quốc phòng luôn đứng đầu, theo sau là Bộ Công an.
Đơn cử, khóa 13, Trung ương Đảng có tới 23 ủy viên từ Bộ Quốc phòng, còn Bộ Công an có 6 người.
Theo một nhà quan sát, việc Bộ Quốc phòng luôn đứng đầu số ủy viên trong Trung ương Đảng cũng cho thấy Bộ Quốc phòng có "quyền lực chính trị" nhiều hơn Bộ Công an.
"Hai bộ cùng thuộc lực lượng vũ trang Việt Nam nhưng lực lượng vũ trang quốc phòng đông hơn lực lượng vũ trang công an và quyền lực mạnh hơn," người này bình luận.
Dù Bộ Chính trị khóa 13 có tới năm người có xuất thân từ công an và chỉ có ba người từ quân đội nhưng thời điểm được bầu vào Bộ Chính trị, chỉ duy nhất có ông Tô Lâm là đang công tác trong Bộ Công an.
Còn các ông Phạm Minh Chính, Nguyễn Hòa Bình, Phan Đình Trạc, Nguyễn Văn Nên tuy có nền tảng từ ngành này nhưng trước khi vào Bộ Chính trị, họ được Đảng luân chuyển, phân công làm nhiệm vụ khác, không còn phục vụ trong Bộ Công an nữa.
Trong khi đó, Đại tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Lương Cường (người vừa được phân công làm thường trực Ban Bí thư) đều đang thuộc Bộ Quốc phòng ở thời điểm được bầu vào Bộ Chính trị.
Không chỉ có khóa 13, Bộ Chính trị khóa 2, 3 và 8 cũng có tới hai tướng quân đội trong khi Bộ Công an chỉ có một.
Về điều này, nhà quan sát chính trị Việt Nam giấu tên nói trên lý giải với BBC:
"Trong cấu trúc quyền lực hành pháp Việt Nam, từ năm 1945 đến nay, Bộ Quốc phòng là bộ quan trọng nhất, rồi đến Bộ Công an. Sau đó mới đến Bộ Ngoại giao... Vì thế trong cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng luôn có số lượng ủy viên cao hơn nhiều, so với Bộ Công an.
"Bộ Quốc phòng đã có vài khóa có hai ủy viên Bộ Chính trị, Còn Bộ Công an chưa bao giờ có hai ủy viên Bộ Chính trị. Tất cả chỉ để khẳng định Bộ quốc phòng (tức là Quân đội nhân dân Việt Nam) là tổ chức quan trọng nhất trong cấu trúc quyền lực hành pháp của Việt Nam," người này phân tích.
Như vậy, xét cả Trung ương Đảng lẫn Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng có nhiều đại diện hơn Bộ Công an nhiều lần.
Một chi tiết khác cần lưu ý là theo Điều lệ Đảng, tổng bí thư là bí thư Quân ủy Trung ương nên chức vụ này do ông Nguyễn Phú Trọng nắm giữ.
Còn Bộ trưởng Phan Văn Giang hiện làm phó bí thư Quân uỷ. Thường vụ của cơ quan hiện nay là thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại tướng Lương Cường và Tổng tham mưu trưởng Thượng tướng Nguyễn Tân Cương.
Phía công an có Đảng ủy Công an Trung ương do Bộ trưởng Tô Lâm làm bí thư. Ban thường vụ gồm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng một số lãnh đạo Bộ Công an.
Ông Thưởng trước khi thôi chức cũng có mặt trong thường vụ Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương.
"Quân ủy quan trọng hơn vì tổng bí thư là bí thư Quân ủy, còn Đảng ủy Công an trung ương chỉ có bộ trưởng là bí thư thôi nên Đảng ủy Công an trung ương ít quyền lực hơn quân ủy," nhà quan sát chính trị nói với BBC.
Quân đội còn có hệ thống điều tra, tình báo, có tòa án và viện kiểm sát riêng.
Bộ Công an đang ngày càng quyền lực?
Quốc hội sẽ bầu chức danh chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín vào ngày 22/5 và Đại tướng Tô Lâm đã được Đảng giới thiệu cho chức vụ này và hầu như chắc chắn, ông Tô Lâm sẽ trở thành tân chủ tịch nước.
Đáng chú ý, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại họp báo ngày 19/5 rằng trong kỳ họp thường kỳ lần 7 này, Quốc hội sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm. Đồng thời cũng chưa phê chuẩn nhân sự bộ trưởng Công an thay thế ông.
Như vậy, theo lịch trình của Quốc hội, nếu ông Tô Lâm chính thức trở thành chủ tịch nước và tiến hành tuyên thệ, nhậm chức vào ngày 22/5, đại tướng vẫn giữ chức bộ trưởng Bộ công an do chưa được miễn nhiệm.
Nếu ông Tô Lâm kiêm nhiệm hai chức vụ, quyền lực trong tay ông sẽ ngày càng lớn vì theo Hiến Pháp, chủ tịch nước là chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc phòng, người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân (gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ).
Và khi vẫn nắm Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm vẫn có quyền điều hành trực tiếp bộ máy điều tra khổng lồ, vốn là công cụ chính của chiến dịch “đốt lò”, nhất là khi ông đã làm Bộ trưởng Công an gần hai nhiệm kỳ.
Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "trao cho ông Tô Lâm quyền lực để chống tham nhũng".
Và cũng theo ông Abuza, có thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không còn có thể kiểm soát quyền lực của Đại tướng Tô Lâm.
Về nhân lực, Bộ Công an chưa bao giờ công bố con số chính xác lực lượng chính quy. Tuy nhiên, vào năm 2017, Giáo Sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, đăng trên blog của mình con số ước lượng công an ở Việt Nam, từ công an có thẻ ngành đến những lực lượng bán vũ trang trực thuộc sự chỉ huy và điều động của Bộ Công an, là khoảng 6,7 triệu người vào năm 2013.
Trong số này, có 1,2 triệu công an chính quy. Nhân lực Bộ Công an sẽ ngày càng phình to vào ngày 1/7/2024 tới đây, khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính thức có hiệu lực.
Luật này được Quốc hội khóa 15 thông qua vào tháng 11/2023, sáp nhập các lực lượng tham gia bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng vào thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, được coi là "cánh tay nối dài" của Bộ Công an.
Ước tính, Bộ Công an sẽ có thêm khoảng 300.000 nhân viên từ lực lượng này.
Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem
Dự thảo luật này từng được Quốc hội khóa 14 xem xét nhưng sau đó không được thông qua vì vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, có cả từ phía quân đội.
Cụ thể, tháng 11/2020, khi xem xét dự thảo "Luật Lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở" nói trên, đại biểu Sùng Thìn Cò, Thiếu tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, cựu Phó Tư lệnh Quân khu 2 và là ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội khóa 14, đã nêu ý kiến: "Xin lỗi bộ trưởng chứ lực lượng công an quá đông!"
"Một tỉnh ít nhất có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy. Đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa. Chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình?" ông Cò phát biểu.
Vào thời điểm đó, luật gia, nhà báo Trịnh Hữu Long nhận định với BBC rằng không phải ngẫu nhiên mà ông Sùng Thìn Cò lại phát biểu như vậy.
Ông Long nhắc đến việc ông Cò là một tướng lĩnh bên quân đội và cho rằng phát ngôn của ông Cò có thể "đại diện cho một nhóm trong quân đội đang cảm thấy bị ngành công an lấn sân quyền lực".