Chúc mừng bạn đã thêm playlist Nghệ sĩ Thanh Nga (Nữ hoàng sân khấu cải lương) thành công
Hình ảnh Thanh Nga với nhân vật Phà Ca gây thương nhớ
Trong bài viết của mình, nghệ sĩ Hữu Châu đăng hình "má Ba" (cô ruột) yêu dấu của anh cực kỳ xinh đẹp với lời ca: "Ngày mai đám cưới người ta, tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn".
Đây là hai câu thơ trong vở mà khán giả yêu cải lương khi nhắc tới tuồng Sơn nữ Phà Ca sẽ nhớ như in, có người còn ngâm nga theo đúng cách ca trong tuồng.
Ở tuổi mới lớn, Thanh Nga đã khiến bao người điêu đứng về nhan sắc vượt trội của mình - Ảnh: Gia đình cung cấp
Sơn nữ Phà Ca hay Người vợ không bao giờ cưới (soạn giả Kiên Giang - Phúc Nguyên, tức soạn giả Quy Sắc) là vở cải lương mang đậm dấu ấn của nghệ sĩ Thanh Nga trong vai sơn nữ Phà Ca.
Lúc đó bà đương tuổi trăng tròn. Và theo nhiều tài liệu thì bà bầu Thơ, mẹ của Thanh Nga, rất ngần ngại khi giao vai diễn dang dở tình duyên cho con gái cưng.
Tuy nhiên, các soạn giả, những người giỏi nghề thuyết phục bà bầu Thơ vì họ thấy được tài sắc của cô bé Thanh Nga.
Và những người tin tưởng Thanh Nga đã không phải thất vọng vì sự thể hiện xuất sắc của bà trong vở diễn.
Bà đã thuyết phục báo giới và các nhà chuyên môn để trở thành nghệ sĩ đầu tiên nhận giải Thanh Tâm năm 1958 với vai sơn nữ Phà Ca trong Người vợ không bao giờ cưới năm bà mới 16 tuổi.
Vai diễn này còn từng được các nghệ sĩ như Út Bạch Lan, Bạch Tuyết… thể hiện.
Thế nhưng dấu ấn của Thanh Nga với hình ảnh cô sơn nữ xinh đẹp, chịu nhiều đau đớn trong tình cảm vẫn không thể phai nhạt trong tâm trí người mộ điệu cải lương.
Trên trang cá nhân của nghệ sĩ Hà Linh, con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga, cũng đăng hai bức ảnh, một hình ảnh của anh lúc 5, 6 tuổi và hình ảnh hiện tại bên mộ ba mẹ.
Hình ảnh đó khiến nhiều người rớt nước mắt, bởi họ thấu cảm nỗi đau đớn của Hà Linh khi cùng lúc mất cả ba và mẹ ở tuổi quá nhỏ. Và trong một hoàn cảnh quá khủng khiếp.
45 năm mồ côi với anh có lẽ lắm nỗi niềm mà khó lòng chia sẻ hết.
Nghệ sĩ Thanh Nga ra đi ở đỉnh cao sự nghiệp và sự chín muồi về nhan sắc. Bởi vậy, với nhiều khán giả, bà như một tượng đài sân khấu, một vẻ đẹp vĩnh cửu.
Khách đến viếng nghĩa trang Nghệ sĩ ở Gò Vấp thường xuyên ghé thắp nhang mộ của vợ chồng bà. Ngày giỗ, sinh nhật của bà người hâm mộ vẫn nhớ gởi hoa, quà đến gia đình.
Trong niềm thương về má Ba thân yêu của mình, nghệ sĩ Hữu Châu chia sẻ với Tuổi Trẻ Online trước khi mất nghệ sĩ Thanh Nga rất quan tâm đến công tác đạo diễn.
Anh cho biết lúc đó gia đình anh ở gần nhà thầy của anh là cô Tường Trân. Cô Tường Trân, nguyên hiệu phó Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), là thầy của đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Hoa Hạ, Thành Lộc, Hồng Vân, Hữu Châu, Hồng Đào…
Hữu Châu kể: "Biết má Ba tôi thích, quan tâm đến công việc đạo diễn nên cô Tường Trân đã cung cấp cho má Ba tôi nhiều tài liệu để đọc và cô trò chuyện với má rất nhiều về lĩnh vực này.
Có lẽ, nếu còn sống biết đâu má sẽ nghiên cứu và có thể sẽ làm công tác đạo diễn".
Tiết lộ của Hữu Châu khiến người ta cảm thấy thú vị về "Nữ hoàng sân khấu". Không chỉ đẹp, ca hay, có lối diễn tinh tế, sang trọng mà Thanh Nga vẫn còn muốn khai phá nhiều vùng đất mới của lĩnh vực nghệ thuật.
Biết đâu, nếu không có biến cố khủng khiếp đó, làng cải lương sẽ có thêm đạo diễn Thanh Nga!