Cá tra là loài cá thịt trắng nuôi đặc trưng của Việt Nam. Sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng trên thị trường thế giới yêu thích vì sự tiện lợi, hương vị trung tính, dễ chế biến và giá cả phù hợp với mọi phân khúc tiêu thụ.

Cập nhật kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần 7.494 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.341 tỷ đồng, tăng tương ứng 81% và 241% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế tính đến cuối tháng 6 hơn 5.150 tỷ đồng.

Năm 2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 43,6% và 45,6% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu  83,8% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới 31/06/2022, tổng tài sản của VHC tăng 32% so với đầu năm lên 11.531 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.209 tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.905 tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 2.138 tỷ đồng, chiếm 18,5% tổng tài sản; đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.659 tỷ đồng, chiếm 14,3% tổng tài sản.

Trong kỳ, các khoản phải thu tăng 51% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.077 tỷ đồng lên 3.209 tỷ đồng; tồn kho tăng 62% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.112 tỷ đồng lên 2.905 tỷ đồng. Có thể thấy, dòng tiền kinh doanh chính âm khá mạnh trong kỳ chủ yếu do công ty gia tăng tồn kho và tăng khoản phải thu, chủ yếu tăng bán chịu cho khách hàng.

Hàng tồn kho của Vĩnh Hoàn tại thời điểm giữa năm 2022 chủ yếu nằm ở dạng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang với giá trị lên tới 1.551 tỷ đồng. Ngoài ra, một số dạng hàng tồn kho khác gồm thành phẩm, nguyên vật liệu…

Tính tới cuối quý II/2022, nợ dài hạn của công ty giữ nguyên trong khi nợ vay ngắn hạn tăng 46% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 806 tỷ đồng lên 2.541 tỷ đồng và chiếm 22% tổng nguồn vốn.

Với Vĩnh Hoàn, việc thâm dụng vốn vào hàng tồn kho và các các khoản phải thu buộc công ty phải chấp nhận gia tăng chi phí tài chính. Theo đó, chi phí tài chính của công ty đã tăng từ 27 tỷ đồng quý II năm trước lên 110 tỷ đồng vào quý II/2022, tương ứng mức tăng tới 307%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, chi phí tài chính cũng tăng từ 46 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 153 tỷ đồng vào quý II/2022, tăng 232,6%.

Các chỉ số khả năng thanh toán hiện hành của VHC ở mức khá cao, quanh mức 2 lần từ năm 2018, Đồng thời, hệ số khả năng thanh toán nhanh đều trên 0.9 lần qua các năm và có sự tăng lên khá tích cực trong 6T2022. Cho thấy doanh nghiệp có cơ cấu vốn lành mạnh, và đáp ứng được khả năng thanh toán cho các khoản nợ đến hạn.

Chịu áp lực của thị trường chung và dịch bệnh nên ngành thủy sản nói chung cũng như VHC nói riêng có sự suy giảm trong giai đoạn 2019 – 2020 và bắt đầu hồi phục từ năm 2021 khiến cho các hệ số khả năng sinh lời cũng trở nên tích cực.

Đặc biệt trong 6T2022 có sự cải thiện đáng kể khi ROE và ROA lần lượt đạt mức 32,17% và 21,17% khi lợi nhuận của VHC tiếp tục tăng trưởng.

Rủi ro dịch bệnh và lũ lụt thất thường là vấn đề mà các doanh nghiệp thủy sản lo ngại.

Với việc tự do hóa thương mại quốc tế, thủy sản Việt Nam sẽ có lợi về thuế quan, nhưng sẽ là đối tượng để các nước nhập khẩu áp dụng các rào cản phi thuế quan nhằm bảo hộ ngành sản xuất nội địa

Giá cước vận tải đã tăng rất nhanh ở những tháng gần đây, làm tăng chi phí bán hàng và ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của VHC.

Hiện VHC chịu sự cạnh tranh từ đối thủ đáng gờm là ANV tại thị trường Mỹ, khi từ năm 2022 bắt đầu chuyển hướng quay lại thị trường Mỹ và đã được miễn thuế chống bán phá giá.

—————————————————————————————————————-

Lưu ý: Đây là những thông tin liên quan đến doanh nghiệp đã được YSVN thu thập, phân tích dựa trên các nguồn đáng tin cậy, nhà đầu tư có thể tham khảo để hiểu về ngành nghề và tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, nội dung không mang ý nghĩa khuyến nghị đầu tư. YSVN không chịu trách nhiệm về tính chính xác và miễn trừ trách nhiệm khi sử dụng thông tin trên đây đến kết quả đầu tư. Để nhận được khuyến nghị đầu tư cụ thể vui lòng mở tài khoản để được các chuyên viên tư vấn của Yuanta Việt Nam hướng dẫn giao dịch cụ thể với từng vị thế của khách hàng.

—————————————————————————————————————-

Bùi Thị Loan – Trưởng phòng Đào tạo đầu tư

Nguyễn Trung Hiếu – Chuyên viên Đào tạo đầu tư

Email: [email protected]

(vasep.com.vn) Năm 2021 là một năm chật vật đối với các doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam. Covid-19 đã tấn công vào từng nhà máy khiến cho cả hoạt động nuôi trồng, vận chuyển, XK đều gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, giá trị XK của cả năm vẫn đạt 1,61 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. “Cái khó, ló cái khôn”, khi XK cá tra sang một số thị trường lớn bị ách tắc do kiểm tra dịch bệnh, giãn cách xã hội thì các DN đã chuyển hướng thông minh sang một số thị trường tiềm năng.

Trung Quốc - Hồng Kông: Năm 2021, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 449,8 triệu USD, chiếm 27,8% tổng XK, giảm 12,6% so với năm 2020. Ba quý đầu năm 2021, XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông gặp nhiều trục trặc và gián đoạn do rào cản thương mại mà Trung Quốc đưa ra nhằm giảm NK thực phẩm đông lạnh.

Tuy nhiên, kể từ tháng 9/2021, nguồn cá tra dự trữ của các nhà NK để chuẩn bị cho dịp lễ tết cuối năm hay tới mùa hè năm 2022 đã cạn nên họ cũng mong muốn Chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm tra hàng hóa để tăng cường mua hàng. Cũng từ đó, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh trở lại, trong đó, tháng 12/2021, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc đạt 73,2 triệu USD, tăng 144,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ: Một năm XK cá tra thuận lợi và tăng trưởng tích cực sang Mỹ. Năm 2021, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 370,6 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2020. Cuối tháng 6/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) đối với các lô hàng cá tra đông lạnh NK từ Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn từ ngày 01/8/2018 - 31/7/2019. Theo đó, hai DN XK cá tra của Việt Nam là: Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VINH HOAN CORP - Đồng Tháp) và Công ty Cổ phần Nam Việt (NAVICO - An Giang) đã được hưởng mức thuế suất là 0%. Động thái tích cực này đã thúc đẩy XK cá tra sang thị trường này tăng trưởng liên tục không nằm ngoài dự đoán. Riêng tháng 12/2021, giá trị XK cá tra sang Mỹ đạt 46,6 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

CPTPP: Năm 2021, tổng giá trị XK cá tra sang khối thị trường này đạt 207,8 triệu USD, tăng 0,6% so với năm 2020. Mexico và Canada là hai thị trường nổi bật của CPTPP. Năm trước, XK cá tra sang Mexico đã “hồi sinh” sau nhiều năm giảm sút. Tổng giá trị XK cá tra sang Mexico đạt 69,2 triệu USD, tăng 37,3%; sang Canada đạt 32,7 triệu USD, tăng 7,5% so với năm trước. Kể từ khi Covid-19 lan rộng từ Châu Âu sang các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á thì XK cá tra sang Singapore - thị trường vốn được coi là gây chú ý trong các năm trước bỗng giảm sút. Trong năm 2021, giá trị XK cá tra sang Singapore đạt 26,3 triệu USD, giảm 22%.

EU: Tổng giá trị XK cá tra sang khối thị trường này đạt 106,2 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2020. Giảm liên tiếp trong 3-4 năm trở lại đây, nhiều DN đã chủ động chuyển hướng thị trường. Giá trị XK cá tra sang bốn thị trường lớn nhất Châu Âu là Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha và Đức đều giảm lần lượt 20%; 23,5%; 9,3% và 43,6% so với năm ngoái.

Giá trị XK cá tra sang các “thị trường chuyển hướng” như Brazil, Colombia, Nga, Ai Cập rất tươi sáng. Trong đó, năm ngoái, giá trị XK cá tra sang Brazil tăng 48,6%; sang Colombia tăng 68,5%; sang Nga tăng 72,8% và Ai Cập tăng 51,7% so với năm trước.

Hoạt động sản xuất, vận chuyển, chế biến, XK của các DN cá tra Việt Nam trong năm qua bị gián đoạn và ách tắc, cước vận tải tăng phi mã, các DN ngành cá tra cũng bị “tổn thương” nặng nhất trong nhóm thủy sản XK do Covid-19 lan rộng vào thời điểm tỷ lệ tiêm vaccine cho công nhân và người lao động còn thấp. Nhiều DN đã buộc phải đóng cửa, hủy/hoãn đơn hàng, thực hiện nghiêm túc “3 tại chỗ”, giá cá tra XK cũng không tăng trong khi chi phí sản xuất, chế biến tăng vọt. Đạt được kết quả này các DN cá tra Việt Nam đã trải qua một năm với nỗ lực ngoài tưởng tượng.

Ngày 25/5, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP)cho biết, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan... đã tăng trưởng trở lại, giúp đưa tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 4 tháng đầu năm đạt 498,4 triệu đô la Mỹ, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ tháng 1/2021 xuất khẩu cá tra Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm đến 31,3% so với cùng kì do tác động của tình hình dịch Covid-19. Nhưng đến nay tình hình đã dần được kiểm soát, giúp đưa xuất khẩu cá tra tăng 16,7% và 28% trong tháng 2 và 3/2021 so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc được cải thiện đã giúp đưa tổng kim ngạch 4 tháng đầu năm nay đạt 117,2 triệu đô la Mỹ và chiếm đến 24% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trung Quốc và Hồng Kông cũng đã trở lại là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của của Việt Nam.

Đối với thị trường Mỹ, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang đây sụt giảm khá mạnh, cho nên dù với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở những tháng đầu năm nay là khá cao, nhưng giá trị mang lại vẫn chưa thể vượt qua được thị trường Trung Quốc và Hồng Kông.

Theo đó, trong tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 30,3 triệu đô la Mỹ, tăng đến 136% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này, giúp đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 102 triệu đô la Mỹ, tăng 36,7%, nhưng giá trị xuất khẩu thấp hơn thị trường Trung Quốc và Hồng Kông 15,2 triệu đô la Mỹ.

Việc xuất khẩu cá tra đi các thị trường, nhất là thị trường châu Á trong thời gian gần đây phải chịu tác động nhất định bởi việc giá cước tàu biển tăng và tình trạng thiếu container rỗng.

Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang cho biết, nhằm khắc phục tình trạng nêu trên nhiều doanh nghiệp thuỷ sản đã thay đổi cách thức mua bán với đối tác. “Thay vì bán giá CIF, giao hàng đến cảng nước nhập khẩu, thì doanh nghiệp ký kết hợp đồng bán giá FOB, giao hàng tại cảng Việt Nam. Với cách thức mua bán này, việc vận chuyển sẽ do đối tác nhập khẩu lo hoàn toàn”, ông Văn nói.